Suncreen - kem chống nắng từ A - Z


Đang là hè rồi, Kem chống nắng (KCN) có lẽ là món được mọi người quan tâm nhiều nhất. Chẳng ai muốn bị đen da, bị cháy nắng, bị ung thư da, bị nếp nhăn... vì phơi mặt ngoài trời đúng không? Và dù chúng ta đều đã dùng mũ, kính, khăn, áo bla bla và bịt kín mít từ đầu tới chân, nhưng 1 em KCN vẫn là thứ KO THỂ THIẾU.

Sau vụ [cosmetic ingredients], mình đâm sợ và không dám "manh động" dùng linh tinh => dùng cái gì cũng phải ngồi search rất kỹ. Hè thì nhất định phải mua KCN (sorry cho sự nông nổi của mình, mình biết, mình biết, đáng lẽ không hè cũng phải mua =)))), hoá ra xung quanh các em KCN cũng có khá nhiều chuyện hay ho và đáng bàn, không hề kém cạnh các em trong [cosmetic ingredients] chút nào. Nhiều người check ingredients của KCN, thấy không có parabens, không có propylene glycol, không có talc bla bla... nên yên tâm mua, mà không hề tưởng tượng được rằng thành phần các em KCN cũng có nguy cơ gây hại khá "điển hình". Entry hôm nay sẽ khá dài, hi vọng mọi người không thấy ngán khi phải đọc mớ dài dòng này ^_^

Thông tin cơ bản về KCN

1. Một số thuật ngữ liên quan:

* Tia cực tím - UV (viết tắt của ultra violet light): Có 3 loại tia: UVA - UVB và UVC - đây chính là đối tượng mà KCN phải "chiến đấu"

- UVA: xâm nhập và gây ảnh hưởng tới những lớp biểu bì nằm sâu dưới da. Là loại tia đáng sợ và nguy hiểm nhất, nhưng UVA lại không gây cháy nắng (đáng yêu quá)... nhưng lại gây lão hoá, hình thành nếp nhăn và là tác nhân trực tiếp gây ung thư da (huhu). Nói cách khác, bạn không ngay lập tức thấy được sự phá huỷ của UVA, phải dần dần và lâu dài, bạn mới thấm thía được tác động của em í. Đặc điểm của UVA là có thể xuyên qua lớp kính dày, do vậy mà dù ở trong nhà, nếu bạn đứng gần cửa kính thì ... vẫn bị "dính" như thường.

- UVB: là loại tia gây ảnh hưởng trực tiếp lên lớp biểu bì ngoài cùng của da, gây cháy nắng, khiến da đen sạm và có thể dẫn đến ung thư da. Tia UVB không xuyên qua kính, vậy nên nếu ở trong nhà, ngồi trong xe... thì bạn có thể yên tâm rằng mình vẫn được bảo vệ trước tia UVB.

- UVC: tia này ít được "nhắc mặt điểm tên" nhất vì ít có tác động nhất đến da (vì đa phần đã bị chặn bởi tầng ozon rồi), thậm chí nhiều người không hề biết tới sự tồn tại của UVC. Tuy "ít" nhưng không phải là không gây ảnh hưởng tới da. Hiện nay trên thị trường đã xuất hiện nhiều loại KCN có thêm khả năng chống tia UVC. Nếu muốn da không bị đen và nhanh lão hoá thì tốt nhất bạn nên chọn mua KCN "chiến" được cả 3 tia UVA, UVB và UVC.


Các tia cực tím hoạt động mạnh nhất từ khoảng 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Đây cũng là thời gian mà bạn được khuyến cáo là nên hạn chế ra ngoài đường. Nếu có bị bắt buộc phải "chường mặt" ra nắng vào "khung giờ tử thần" này thì tốt nhất là nên trang bị đầy đủ áo - mũ chống nắng, kính râm, KCN bla bla.


* Chỉ số SPF là gì?

SPF là viết tắt của Sun Protection Factor - là chỉ số bảo vệ da trước tia UVB.

Có khá nhiều thông tin liên quan đến việc chỉ số SPF và thời gian bảo vệ trước ánh nắng mặt trời. Có nguồn thì cho rằng: SPF 1 = 5 phút => SPF 15 = 75 phút => bạn vô tư bay nhảy ngoài nắng 75 phút trước khi phải chạy vào chỗ râm để "dặm" lại KCN lần 2. Nguồn khác lại bảo: SPF 1 = 10 phút => SPF 15 = 150 phút. Chỗ khác nữa thì lại dấm dẳng : SPF 1 = 15 phút =))))

Nói chân thành là mình dành cả buổi để search về vụ này, nhưng thông tin đưa ra rất lộn xộn và không rõ ràng. Công thức tính SPF trên wikipmedia quá rắc rối và đọc muốn ngất xỉu (và lại cũng không liên quan lắm đến phần thời gian) nên mình chỉ lấy nguồn từ ewg - một web mà theo mình là rất đáng tin cậy. Theo ewg, riêng với KCN có chỉ số SPF 30 có khả năng ngăn cản các tế bào da bị cháy nắng trong khoảng thời gian từ 300-600 phút (tương đương 5 - 10 tiếng) sau khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Còn lý do vì sao ewg chỉ tính riêng với SPF 30 thôi thì mọi người đọc ở phần dưới nhé.

Nói chung, về vụ SPF mình nghĩ cần phải tìm hiểu thêm. Bạn nào có thông tin gì thì share mình với nhé, mình sẽ edit lại sau ^_^


* Chỉ số PA là gì?

PA là viết tắt của Protection Grade - chỉ khả năng lọc tia UVA.

Có 3 cấp độ thường gặp:

PA+ Có tác dụng chống UVA 40-50%
PA++ Có nhiều tác dụng chống UVA 60-70%
PA+++ Có rất nhiều tác dụng chống UVA 90%

* Broad-spectrum:


Nếu KCN của bạn có chỉ số SPF, tức là bạn được bảo vệ trước tia UVB. Còn nếu trên vỏ có thêm dòng PA thì tức là KCN yêu của bạn có thêm khả năng bảo vệ da trước tia UVA. Nhiều bạn chỉ quan tâm đến SPF mà quên mất rằng, chỉ số PA cũng rất cần thiết. Bạn biết đấy, UVA còn "ám hại" hơn cả UVB mà.

Vậy nên, điều mà bạn cần là loại KCN có dòng chữ "broad-spectrum" (quang phổ rộng) trên vỏ. Nghĩa là em KCN của bạn tổng hợp được cả 2 loại chỉ số trên - có khả năng chống lại được cả 2 tia UVA-UVB. Tất nhiên, đây là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện dủ. Bạn không nên chỉ chăm chăm "soi" dòng chữ "broad-spectrum" rồi quáng quàng mua ngay mà không check các thông số khác. Nguyên nhân là do nhiều nhà sản xuất rất đáng yêu, vô tư dán nhãn KCN của họ là "quang phổ rộng" trong khi các em í chẳng có lấy 1 tí ti phần trăm chống tia UVA (hoặc UVB) nào.

2. KCN có 2 loại : chemical suncreen (CS) và physical suncreen (PS)


Chemical suncreen : có thành phần chính là các chất hoá học có khả năng lọc tia cực tím như oxygenzone, avobenzone hoặc octyl methoxycinnamte. Cơ chế hoạt động của CS là hấp thụ và phản chiếu tia UV, đồng thời cho phép 1 phần tia cực tím được hấp thụ vào da.

Khi dùng CS, da của bạn không bị cháy nắng ngay lập tức, nhưng nguy cơ lâu dài do phần tia cực tím hấp thụ là khá cao (Một vài bài viết ở webtretho và box lamdep cho rằng 1 số tia cực tím hoàn toàn không gây hại và thậm chí là rất tốt cho da. Nhưng theo các web skincare nước ngoài mà mình tham khảo thì chưa có web nào tán đồng ý kiến này, đa số đều "lên án" kịch liệt CS).

Ngoài ra, các chất hoá học được sử dụng trong CS có cấu trúc không ổn định, nên rất dễ bị biến đổi khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, từ đó làm giảm hiệu quả chống nắng (ví dụ như thời gian chống nắng theo tính toán bình thường là 2 tiếng, nhưng trong thực tế, thời gian này giảm xuống còn 1 tiếng).

Physical Suncreen: có thành phần chính là 2 em Titanium Dioxide cà Zinc Oxide (hai em này nghe quen đúng không mọi người :D). Cơ chế hoạt động của PS là phản chiếu ánh sáng, từ tạo ra tấm màng ngăn cách giữa da và ánh nắng mặt trời. Cả 2 em đều có khả năng chống tia UVA và UVB. Tuy nhiên, Zinc Oxide bảo vệ da trước tia UVA tốt hơn Titanium Dioxide.

Đặc trưng của các loại KCN physical là làm trắng da ngay khi vừa apply lên mặt (white cast). Đây là "sự trắng tạm thời" thôi ạ, khi rửa mặt đi là da lại quay lại nguyên trạng ban đầu. Các bạn ở nước ngoài thường không thích PS lắm vì mặt nhìn "phớ lớ" quá, họ thích da nâu khoẻ khắn mà. Riêng với người VN thì tính chất này nên được xem là ưu điểm hơn là khuyết điểm =))) Một điều đáng than phiền nữa là sự "white cast" lúc bình thường nhìn không quá lộ, nhưng khi lên ảnh thì trông hơi kinh, kiểu như mặt hề trắng phớ í ^_^ Bên lề 1 chút là Zinc Oxide nhìn đỡ trắng hơn so với Titanium Dioxide.

Ngoài ra, các em PS còn có đặc điểm là texture khá đặc nên gây nặng mặt và không thông thoáng trên da. Hiện nay, nhiều hãng đã thay thế thành phần Zinc Oxide và Titanium Dioxide truyền thống bằng các loại Zinc và Tita có thành phần siêu nhỏ (nano hoặc micro) để làm texture KCN trở nên lỏng hơn, mịn và nhẹ mặt hơn. Nhưng vấn đề là, hạt càng nhỏ lại gây ra một vấn đề nghiêm trọng khác... (Vụ này mình nói kỹ hơn ở phần "các từ khoá nên tránh" ở bên dưới nhé).


3. Sunblock vs Suncreen ???

Theo nhiều nguồn thì suncreen chính là chemical suncreen, còn sunblock là physical suncreen. Nhưng mà cách phân chia này chỉ đúng 1 phần. Nhiều em KCN rõ ràng là chemical suncreen nhưng vẫn đề là sunblock ở vỏ. Vậy nên, vấn đề suncreen vs sunblock đang gây khá nhiều tranh cãi. Thậm chí, FDA (cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ) còn đang xem xét việc cấm sử dụng nhãn hàng sunblock trên KCN để tránh gây hiểu nhầm và phản ứng "quá kỳ vọng" ở khách hàng.

Hiện nay, đa số các website về mỹ phẩm - skincare nước ngoài, khi viết về KCN đều dùng chung là suncreen chứ không rạch ròi là sunblock hay suncreen. Vậy nên, mình nghĩ không nhất định cứ phải phân chia sunblock và suncreen làm gì. Cứ hiểu là KCN, có tác dụng bảo vệ da trước ánh nắng mặt trời, và bao gồm có 2 loại (chemical và physical) là được rồi.


Những "từ khoá" nên tránh khi chọn mua suncreen


1. Vitamin A (Retine-A, Retino-A, Retinyl Pamitate...) : Đây là chất rất hay được sử dụng trong nhiều loại KCN (hơn 41% các loại KCN trên thị trường có chứa vitamin A). Tác dụng của vitamin A là chống lão hoá, làm chậm quá trình sản sinh nếp nhăn xấu xí trên da. Nói chung, mới nghe qua thì việc cho vitamin A vào thành phần KCN là 1 việc quá "ngon nghẻ" và không có gì nhiều để bàn. Quá tiện lợi còn gì, vừa chống nắng, lại vừa dưỡng da để chống lão hoá :X

Vấn đề nằm ở chỗ, nếu bạn dùng vitamin A trong kem dưỡng da vào buổi tối thì OK, đúng là không có gì đáng bàn thật (nhiều bạn từ hồi 20 tuổi đã dùng kem dưỡng có thành phần chống lão hoá "anti - oxidant", "anti - wrinkle" hoặc "anti - aging"). Nhưng nếu bạn dùng KCN có chứa vitamin A vào ban ngày thì lại cực nguy hiểm. Vitamin A khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sẽ mất tác dụng chống oxy hoá và biến thành các gốc tự do gây tổn thương da. Nói nôm na là, bạn dùng KCN chứa vitamin A với hi vọng da sẽ cải thiện, làm mờ và chống nhăn. Nhưng tác dụng thì lại ngược lại hoàn toàn, da bạn sẽ bị lão hoá nhanh hơn, da dễ bị cháy nắng và tổn thương từ bên trong, thậm chí còn nguy cơ dẫn đến ung thư da!!! Hix hix.

Bằng chứng cho vụ vitamin A trong KCN thì hơi bị nhiều. Nếu để ý 1 chút, bạn sẽ thấy là với các loại kem chống lão hoá có chứa Retin-A hay Retino-A thì trên phần hướng dẫn sử dụng, nhà sản xuất sẽ khuyên bạn chỉ nên sử dụng vào buổi tối, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời và dùng thêm KCN nếu phải hoạt động ngoài trời => nói KO với vitamin A trong KCN. Thậm chí là nói KO với các loại dưỡng ban ngày (day moisturizer, lotion, serum...) có chứa vitamin A trong thành phần (các loại dưỡng ban đêm thì vẫn nói CÓ nhé ^_^). Nếu bạn ko dùng KCN có vitamin A, nhưng lại "hồn nhiên" dùng moist có chứa vitamin A ngay sau lớp KCN này thì cũng xem như là "công cốc"!

2. Oxybenzone: Đây là thành phần thường gặp nhất trong các loại chemical suncreen. Ngoài vụ oxybenzone khiến da hấp thụ 1 phần tia cực tím, em í còn là thành phần hoá học khá độc, dễ hấp thụ qua da để vào máu và dẫn đến rối loạn nội tiết. Ngoài ra, em í còn bị nghi ngờ là liên quan đến một số trường hợp ung thư.

Điều đáng nói là oxybenzone là thành phần khá phổ biến trong các loại KCN dành cho trẻ em - đối tượng mà hệ thống hormone chưa hoàn thiện, và khi đã rối loạn thì tha hồ nhận ảnh hưởng khi trẻ lớn. Các mẹ các chị khi mua KCN cho con em mình, nhất định phải check kĩ vụ oxybenzone này trong thành phần để tránh.


Bên cạnh oxybenzone, list cần tránh còn có 4-MBC và homosalate. Tuy nhiên, độc và cần "dè chừng" nhất vẫn là oxybenzone.

3. KCN dạng phấn - powder hoặc dạng xịt - spray

Vụ này thì liên quan trực tiếp đến Zinc Oxide và Titanium Dioxide. Mọi người đều biết rằng, 2 chất này thuộc dạng khá an toàn cho da và thường xuyên được dùng trong các loại KCN organic và natural. Nếu ở dạng lotion và cream thì không sao, nhưng nếu Zinc và Tita xuất hiện dưới dạng nano hoặc micro (hạt cấu trúc siêu nhỏ) trong các em KCN spray và powder thì lại sinh ra chuyện lớn!

Các nghiên cứu gần đây đã chứng minh được rằng, nếu các hạt nano của Zinc và Tita ở trong môi trường nước (điển hình là vụ KCN dạng xịt), các em í sẽ "biến chất". Một khi hấp thụ qua da vào cơ thể, 2 chất "cải biên" này sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới các cơ quan như phổi hoặc ruột.


Tương tự với vụ powder. Nếu các em phấn phủ có thành phần là Zinc và Tita nano thì người dùng rất dễ sẽ hít phải. Một số trường hợp ung thư phổi đã được chứng minh là có liên quan tới vụ Zinc và Tita nano ở trong các sản phẩm dạng phấn (điển hình là mấy em mineral makeup hoặc pressed powder hoặc loose có thêm khả năng chống nắng đấy ợ).

Nói như vậy không phải đề hù các bạn. Đồng ý là Zinc và Tita "cải tiến" sẽ giúp cho KCN lỏng và thông thoáng trên da, mặt đỡ bị bí và nặng nề. Nhưng dù được "upgrate", chất lượng của các em í lại có vẻ "thụt lùi". Tốt nhất, nếu thấy thành phần nano - Zinc/Tita (hoặc micro_) trong các em KCN dạng xịt và dạng phấn thì nên tránh nhanh và ngay. Nhưng chỉ áp dụng riêng với KCN spray và powder thôi nhé, đừng kì thị những em KCN dạng cream hoặc lotion có chứa nano Zinc/Tita mà tội các em í :P.

Những câu hỏi thường gặp liên quan đến kem chống nắng

1. Apply bao nhiêu là đủ?


Câu chuyện về việc "bôi trát" không đủ liều lượng làm "suy giảm" khả năng bảo vệ của suncreen có lẽ không phải là lần đầu các bạn được nghe. Nhưng "bôi bao nhiêu thì được xem là đủ?" là câu hỏi xem ra vẫn mù mờ phần đáp án đối với nhiều người.

=> Liều lượng bình quân được khuyến cáo là 0,2-0,5 mg/cm2 da. Theo thống kê, người sử dụng thường chỉ bôi được 1/2 -> 1/5 con số này mà thôi. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ số SPF thực tế mà chúng ta apply trên mặt thấp hơn nhiều lần so với chỉ số SPF trên vỏ KCN.

Lấy ví dụ, nếu bạn apply = 1/4 lượng kem quy định (0,2mg/cm2), thì với loại KCN có chỉ số SPF 50, bạn có được mức bảo vệ ở ngưỡng ... SPF 2,6! Tương tự, với SPF 100, trên thực tế là bạn bảo vệ làn da của mình ở ngưỡng... SPF 3,2!!!

2. Có cần apply lại KCN, và re-apply như thế nào?

Bạn nên apply lại KCN, cho dù theo lý thuyết của ewg thì lớp KCN của bạn (SPF 30) có khả năng bảo vệ từ 5 - 10 giờ. Nhưng đấy là trong điều kiện lý tưởng, tức là bạn apply đủ dày và da bạn không ra mồ hôi làm chảy bớt lượng KCN, hoặc tay bạn không va chạm hoặc chùi vào da... Trên thực tế thì hầu như không ai tạo được "điều kiện lý tưởng" như này. Nên nếu phải ở ngoài nắng cả ngày, cứ 2 giờ bạn nên apply lại KCN 1 lần. Còn ở trong phòng làm việc/lớp học và có thời gian tiếp xúc ánh nắng mặt trời khá ít, thì thời gian re-apply có thể "sân sê", thậm chí là bỏ qua nếu tự bản thân bạn thấy không cần thiết.


Về mặt lý thuyết thì việc re-apply khá đơn giản và không có gì đáng bàn. Tuy nhiên, thực tế lại không "ngon ăn" như vậy. Thử tưởng tượng nhé, mùa hè nóng, da bạn vừa ra mồ hôi vừa tiết dầu. Đấy là chưa kể lớp make-up gồm ti tỉ thứ found - powder- blush... Cả 1 đống hỗn loạn, cứ nghĩ việc phải apply lại KCN trên đống "nhầy nhụa" ấy cũng đủ ghê rồi! Vì thế mà nhiều trường hợp, dù biết tác hại của việc không re-apply KCN, nhưng vẫn đành phải "lờ lớ lơ" vụ này đi vì quá ghê - hoặc vì chẳng biết phải apply lại như nào (rửa mặt rồi apply tuần tự lại từ đầu từng bước KCN - moist - found.... hay apply trực tiếp???)

Theo mình, cách tốt nhất là nên lau mặt 1 lượt bằng khăn ướt (chọn loại natural và ít hoá chất 1 chút) để loại bỏ lớp dầu thừa, bụi bẩn và mồ hôi trên da, sau đấy mới apply lại KCN. Còn nếu bạn có trang điểm, không còn cách nào khác là bạn vẫn phải "lau bỏ" bớt 1 phần, sau đấy re-apply KCN theo phương pháp "vỗ đều" vào da chứ không phải "quét" như khi apply kem nền. Cách này sẽ giúp lớp make-up còn lại không bị xáo trộn quá nhiều. Bạn cũng có thể đem theo powder có khả năng che phủ + blush để touch up lại nếu thấy cần thiết. Về căn bản, cứ nhớ là không bôi trát ứ ự KCN lên tấn bụi + dầu + mồ hôi trên mặt bạn là được (trừ phi bạn yêu mụn, yêu lỗ chân lông to và viêm da thì xin mời).

3. Có phải SPF càng cao thì khả năng bảo vệ càng tốt, da càng được an toàn?

Nhiều bạn cho rằng, cứ SPF càng cao thì khả năng đương đầu với tia cực tím càng tốt, thời gian "giăng giăng" ngoài nắng càng được kéo dài. Hiện nay, nhiều hãng cho ra đời các em KCN có chỉ số SPF 100, thậm chí có hãng tương cả SPF 150-200 mới sợ. Tất nhiên, mấy em này hơi bị đông khách, nàng nào lười re-apply KCN thì luôn có xu hướng tìm đến KCN có SPF cao để làm bạn.

Sự thật là, không phải chỉ số SPF 100 sẽ có hả năng bảo vệ gấp đôi chỉ số SPF 50. Trên thực tế, SPF 100 chỉ "nhỉnh" hơn 1% so với SPF 50 về khoản chống tia UVB, trong khi số lượng hoá chất độc hại mà bạn hấp thu vào cơ thể lại gấp đôi.

Tất cả các website về skincare đa phần đều đưa ra lời khuyên về việc chỉ nên sử dụng KCN có SPF dưới 50. Trong đó, con số an toàn và hợp lý nhất là SPF 30 (giờ thì bạn hiểu vì sao mà ewg chỉ tính thời gian bảo vệ của SPF 30 đúng không?). Đừng sợ vì cho rằng SPF 30 là quá ít và không đủ "đô" trong những ngày hè nắng gắt. Với con số 30, bạn vừa được bảo vệ trước tia UVB (SPF thấp hơn thì khả năng da bị tấn công sẽ cao hơn), lượng thành phần lại không quá độc hại cho da => vẹn cả đôi đường. Và đằng nào thì bạn cũng re-apply KCN thường xuyên mà. Vậy nên, thay vì lười và chọn KCN có chỉ số cao nhưng lại độc hại cho da, mình thà chọn KCN có chỉ số SPF 30 rồi chăm apply lại còn hơn.

Cũng cần nhắc lại rằng, với KCN thì SPF không phải là tất cả. Bạn còn cần quan tâm đến cả chỉ số PA vì tia UVA còn nguy hiểm gấp mấy lần tia UVB. Vậy nên, khuyên chân thành mọi người là "dừng lại ở SPF 30" là được rồi, dành thời gian để search về thành phần em KCN và chỉ số PA còn có ích hơn nhiều.

Kiềm tra độ an toàn của 1 số em KCN thường gặp

Ewg là 1 web tổng hợp rất nổi tiếng về các thành phần trong MP - skincare. Năm vừa rồi, website cho ra đời 1 nhánh con chuyên về KCN. Bạn có thể đường link ở ewg ở đây để check thành phần trong lọ KCN của bạn, để xem mức độ an toàn ở ngưỡng bao nhiêu.

Mình sẽ tổng hợp ở đây 1 vài em KCN được nhiều chị em ở VN sử dụng, thử kiểm tra xem, các em í "an toàn" như thế nào nhé?

1. Neutrogena

Không thể không nhắc tên em này. Nói đến KCN, nhất là ở thị trường VN thì chắc chắn, Neutrogena luôn là cái tên đứng đầu list. Người người dùng KCN Neutro, nhà nhà dùng KCN Neutro. Nếu bạn tham gia muare hoặc webtretho, mà bạn chưa tậu 1 em KCN Neutro thì bạn thật "kém tắm" =)))) Bạn phải tậu ngay và nhanh, vì theo các lời rì-viu, em í rẻ và em í chống nắng ngon, lại còn khô ráo (dòng dry-touch), lại không để lại vệt white-cast trên mặt + bla bla những ưu điểm khác nữa. Nói chung dòng họ KCN Neutro quá nổi, đặc biệt ở VN, ko cần bàn cãi nhiều về chuyện này.

Điều rất đáng yêu là theo xếp hạng của ewg, đa số các em KCN của Neutro đều nằm ở mức 7 - gần sát sạt mức 9 - mức nguy hiểm cao nhất, chỉ có vài em nằm ở ngưỡng 3. Các em chống nắng nhà Neu hầu hết đều chứa oxybenzone và perfume trong thành phần. Ngoài ra, vitamin A cũng là 1 cái tên rất hay gặp trong list ingredients. Thú vị là, đa phần KCN Neu đều là chemical suncreen, nhưng trên vỏ lại thường "trưng biển" Sunbock, là sao???

Dưới đây là 1 vài em điển hình :

- Em Neutro dry-touch SPF 70 này có cả vitamin A, oxybenzone và perfume trong thành phần. Đáng yêu quá :X:X


Check full list ingredients của em í ở đây

- Em Neutro dry-touch SPF 100 thì khá khẩm hơn khi chỉ chứa oxybenzone và perfume thôi =))) Em í cũng nằm ở mức 7 - hạn chế khi sử dụng và có nguy cơ cao ảnh hưởng tới sức khoẻ. Hay ho ở chỗ, chỉ số chống nắng của em này có vẻ kém tắm hơn so với em SPF 70 ở trên:


Check full list ingredients của em í ở đây

- Em Baby pure & free sunblock lotion SPF 60+ này mới buồn cười, dành cho baby mà được vinh dự xếp ở mức nguy hiểm 7, chứa cả vitamin A và Benzyl alcohol.

2. La Roche - Posay

Họ KCN nhà La Roche ít người dùng hơn KCN Neu, nhưng xét về độ nổi tiếng thì hơn hẳn. Thuộc dòng cao cấp hơn, đắt hơn, texture lỏng và ngấm nhanh, ko nhờn rít... là những gì mà người dùng cảm nhận về KCN La. Về độ an toàn thì em í có vẻ "đỡ" hơn NEU khi chỉ có đúng 1 em xếp ở mức 7, các em còn lại đa phần nằm ở ngưỡng 3-5, thậm chí còn có "cháu" La Roche-Posay Anthelios 40 Sunscreen Cream nằm ở mức 2 - mức khá an toàn mới chơi :X

- Em duy nhất nằm ở ngưỡng 7 là La Roche-Posay Anthelios 60 Face Melt-In Sunscreen Lotion, thành phần của em í có oxybenzone. Mọi người có thể vào đây để xem rõ hơn:

- La Roche-Posay Anthelios 45 Ultra-Light Sunscreen Fluid For Face - em KCN làm nên tên tuổi cho La Roche và cực được ưa chuộng thì nằm ở ngưỡng 3, xem rõ hơn ở đây:

3. Shiseido : mấy bé KCN nhà Shi cũng nổi mà lười search quá, mình để đây rồi edit sau nhé...


4. Ngoài lề :">

Phần này bên lề chút xíu :">, đấy là mình muốn chia sẻ với mọi người về 2 em KCN mình đang dùng và thấy rất yêu :X:X:X

Em đầu tiên là Marie Veronique moisturizing face sceen (SPF 30)

(vì ko có ảnh em light tint cỡ to nên mình lấy ảnh em medium tint cho dễ nhìn :">)

Brand này nghe lạ hoắc, nhưng mà trong cộng đồng yêu MP thiên nhiên thì em này cực nổi. Thành phần các sp của Marie Veronique đa phần đều chiết xuất từ thiên nhiên và không hề chứa các chất độc hại (parabens, talc, propylene glycol...). Ví dụ như em Moisturing face screen này, thành phần có jojoba oil, emu oil, rose hip oil, vitamin E... Loại mình mua là loại light tint - có màu nhẹ nên có thể dùng thay foundation được (em í còn có màu medium tint và no tint). Cover ở ngưỡng light - medium thôi, nhưng làm đồng đều màu da khá tốt, lại nhẹ mặt và rất tự nhiên. Thích nhất là vụ matte finish của em í :X:X:X (rất ít KCN, thậm chí là moisturier hay tinted moist có được hiệu ứng matte này). Ngoại trừ giá khá chát (40$ chưa kể tax, ship) + ko last long thì em í cũng đc =)))) Mình sẽ viết review về e này kỹ hơn trong entry sau nhé :X

Về độ an toàn thì em í được ewg xếp ở mức 1 :X:X:X (xem ở đây)


Em thứ 2 là Keys Solar Rx moisturizer sunblock SPF 30+


Em này là physical suncreen đơn thuần với thành phần chính là nano - Zinc Oxide, các thành phần còn lại gồm carrot seed oil, avocado oil, shea butter... Em này dưỡng khá tốt, ai da khô hoặc da hỗn hợp dùng ngon nghẻ. Riêng mình da dầu dùng thấy cũng không đến nỗi tệ, tất nhiên là không được khô ráo như em marie veronique, cũng không phải kiểu nhờn rít dính dính. Em í ngấm khá nhanh nên mình toàn dùng thay kem dưỡng ẩm luôn :X

Cũng đáng yêu như em veronique, em keys solar Rx cũng được xếp mức 1 ở ngưỡng an toàn :X:X:X (xem ở đây)

Previous
Next Post »
Thanks for your comment