“Cộng sự” của youtube???

Youtube không còn là một cộng đồng xa lạ. Nhưng khái niệm "youtube partner" thì không phải ai cũng biết. Một dạng part-time mới toe rất thú vị và có tiềm năng.

Công việc được trả lương!

Mọi người có lẽ vẫn còn nhớ hàng tá bài báo viết về cô bạn gốc Việt rất nổi tiếng trên youtube – Natalie Trần cách đây không lâu đúng không? Bài viết nào cũng đưa ra thông tin về việc Natalie kiếm được hàng nghìn $ từ những clip của mình. Nhưng số tiền đấy đến từ đâu, từ quảng cáo hay từ nhà tài trợ, là khoản thu nhập thường xuyên hay chỉ thỉnh thoảng mới có... là những câu hỏi mà đa phần người đọc đều thắc mắc nhưng không có câu trả lời. Và “làm clip trên youtube mà cũng được trả tiền á?” luôn là câu hỏi pha lẫn sự nghi ngờ khi nhắc đến vấn đề này.

Câu trả lời là: “đúng, bạn có thể nhận được kha khá tiền từ việc up clip lên youtube”. Ngạc nhiên đúng không, vì đa phần chúng ta đều nghĩ rằng, việc chia sẻ clip trên youtube chỉ đơn thuần là thú vui, sở thích hoặc thậm chí là việc “rảnh quá nên làm”, không ai nghĩ rằng “up clip” cũng là một công việc được trả lương thực thụ. Nhưng không phải youtuber nào cũng kiếm được tiền từ các clip của mình. Trước hết, bạn phải là một “Youtube Partner”!


Youtube partner

“Cộng sự” là một chương trình được youtube đưa vào hệ thống từ năm 2009. Có một số tiêu chuẩn và yêu cầu cơ bản được đưa ra như: các clip phải do chính bạn tạo ra (để phân biệt với các channel chuyên đi up lại phim hoặc clip ca nhạc), bạn thường xuyên up clip lên youtube với nội dung thú vị và nhận được số lượng view cũng như số người subscriber nhất định. Ngoài ra, một yêu cầu quan trọng nữa là clip của bạn không sử dụng nhạc nền hoặc hình ảnh vi phạm bản quyền. Có khá nhiều youtuber đáp ứng cả 3 yêu cầu trên, tuy nhiên, không phải tất cả họ đều trở thành partner của nhà youtube. Công đoạn “xin việc” cũng khá cầu kì, bạn phải apply đơn đăng ký rồi đợi bộ phận tuyển chọn xét duyệt với khá nhiều yêu cầu và tiêu chuẩn khác nữa. Tùy vào số đơn đăng ký được gửi đến, bạn thường phải chờ vài ngày, thậm chí là vài tuần mới nhận được thông báo “trượt” hay “đỗ”, y chang như đang đi xin việc thật í nhỉ? ^_^.

Nếu “đỗ” thì xin chúc mừng nhé, bạn đã gia nhập đội ngũ “cộng sự” của nhà youtube với hàng tá các ưu đãi. Còn nếu “trượt” thì cũng đừng buồn, vì bạn có thêm 6 tháng nữa để “cải thiện” chất lượng channel của mình trước khi apply lại lần 2 (youtube gia hạn khoảng thời gian apply là 6 tháng để tránh trường hợp apply ồ ạt, apply “cho vui”).


Bí mật xung quanh “thu nhập” của youtube partner

Một trong những điều được nhiều youtuber quan tâm đầu tiên khi apply đăng ký làm partner là các ưu đãi đi kèm của “công việc” này. Đầu tiên là chủ nhân channel có cơ hội xây dựng và khẳng định thương hiệu của mình trong cộng đồng, sẽ có các banner tự thiết kế ở đầu channel và ở tên youtuber, các partner cũng được phép upload clip mà không bị giới hạn thời gian hay dung lượng (với các mem bình thường, thời gian này thường chỉ ở ngưỡng dưới 10 phút mà thôi). Ngoài ra, các partner cũng sẽ được youtube giám hộ và bảo vệ quyền tác giả, nếu như có hiện tượng bôi nhọ hay ăn cắp ý tưởng – hình ảnh – nội dung clip của bạn, youtube sẽ đứng ra giải quyết cho “cộng sự” của mình.

Tất nhiên, ngoài các quyền lợi hay ho trên, điều hấp dẫn hơn cả là khoản thu nhập chính đáng mà các partner kiếm được. Câu hỏi “Youtube partner kiếm được bao nhiêu tiền?” vẫn luôn là bí ẩn với cả cộng đồng non – partner (đáng buồn là cộng đồng này hơi bị lớn, chiếm tới hơn 2/3 số mem youtube!) bởi việc giữ bí mật về thu nhập là một trong những điều kiện mà youtube đưa ra khi kí kết hợp đồng với các partner. Càng bị giấu thì lại càng gây tò mò, mảng nội dung liên quan đến việc “partner kiếm được bao nhiêu” trở thành đề tài vlogging quen thuộc và gây nhiều tranh cãi trên youtube. Và nếu có bị hỏi, thì các partner thường: 1. tảng lờ đi, 2. trả lời chung chung theo kiểu “chẳng đáng bao nhiêu đâu, chỉ là một khoản nhỏ thôi mà”.

Câu hỏi này gần đây đã được làm sáng tỏ bởi anh chàng Renetto – nguyên là một youtube partner. Dựa trên kinh nghiệm của mình trong thời kỳ làm partner, anh chàng lập ra một website với tên gọi MyU2B để phân tích các yếu tố có liên quan như số lượng người view, số người sub, số lượt like, số lần click vào quảng cáo đi kèm... của từng channel và ước lượng số tiền mà youtuber đó kiếm được.

Câu chuyện này tạo nên một scandal ầm ĩ trên youtube khi mà theo con số được thống kê từ MyU2B, anh chàng hài hước Fred kiếm được hơn 148.000$/năm từ channel Fred của mình, vị chi là mỗi ngày chàng ta “đút túi” hơn 400$!!! Còn channel của Shane Dawson với show hài nổi tiếng bậc nhất youtube thậm chí còn đứng đầu list khủng với 315.000$/năm, show hài về quả cam phiền toái “the annoying orange” cũng không kém cạnh với con số 288.000$. Tạo cú shock và gây ra rất nhiều tranh cãi bởi lẽ, không ai nghĩ các youtuber lại có thể “cá kiếm” được nhiều đến vậy từ việc làm clip.



Có thật là Shane Dawson kiếm được 315.000$/năm ???

Kết thúc của scandal không có hậu lắm khi anh chàng Renetto bị cho “thôi việc” khỏi vị trí partner, web MyU2B cũng bị đóng cửa vô thời hạn. Tuy nhiên, cũng chính từ vụ “thám tử kiêm gián điệp” này mà vấn đề lương lậu của các partner bắt đầu trở nên sáng tỏ hơn. Thông thường, số tiền mà partner kiếm được chủ yếu dựa vào số lượt xem quảng cáo đính kèm với clip (0,75$/1 lần xem). Để tránh hiện tượng ấn nút “bỏ qua”, youtube bây giờ “thâm” hơn khi để chế độ “xem bắt buộc” – nếu bạn muốn xem clip của partner thì phải mất 5-10s chạy đoạn quảng cáo sản phẩm đính kèm. Điều này lý giải vì sao một trong các tiêu chí quan trọng để chọn partner là channel phải có nội dung hay ho và thú vị (như vậy mới khiến người xem chấp nhận “kiên trì” đợi thêm 10s quảng cáo để xem clip).

Ngoài ra, có 1 số thông tin bên lề như với 1000 view, bạn kiếm được 2,5$, hay với mỗi người subcriber, bạn có thêm 0,5$ nữa. Những con số này ngay lập tức đã bị các partner “xịn” lên tiếng phản đối và khẳng định đây chỉ là tin đồn. Số tiền bạn nhận được chỉ dựa trên lượng xem quảng cáo từ đường link clip chứ không liên quan đến số lượt view hay số người sub. Các partner này cũng cho rằng, thực sự thì số tiền mà youtube trả cho họ cũng chỉ ở ngưỡng “vừa phải”, phần nào giúp họ có thêm kinh phí để đầu tư, cải thiện chất lượng clip chứ không đến nỗi trở thành “triệu phú” ngay lập tức chỉ qua 1 đêm (trừ phi bạn là Justin Bieber :D).



"Quả cam phiền toái" kiếm được bao nhiêu tiền/tháng đến nay vẫn là 1 ẩn số...

Tất nhiên, cũng có những trường hợp ngoại lệ. Một số partner cực tài năng với cái đầu đầy ý tưởng, channel của họ thực sự cuốn hút và thú vị với lượt view cực khủng. Không những có khoản thu nhập để chi trả các chi phí, họ thậm chí còn có thể sống khá dư dả và xem việc làm clip cho youtube là sự nghiệp chính của mình (điển hình như anh chàng Ryan của kênh Nigahiga hay Shane Dawson). Nhiều teen nước ngoài xem đây là công việc làm thêm thú vị khi hè đến, lúc họ có nhiều thời gian để chăm chút cho channel của mình. Teen cũng là nhóm đối tượng được youtube cực kỳ ưu ái vì sự vui nhộn và khả năng sáng tạo, thế nên cơ hội được nhận làm partner cũng cao hơn hẳn so với youtuber trưởng thành.

Cơ hội nào cho các youtuber Việt?

Có 2 trở ngại chính khiến cộng đồng youtuber Việt rất lớn nhưng số người làm partner lại ... chưa có ai (xét riêng về cộng đồng youtuber Việt - nói tiếng Việt)! Đầu tiên là do “youtube partner” là khái niệm không phải youtuber nào cũng biết và quan tâm (Utuber Việt hầu như đều ngạc nhiên khi biết chuyện “kiếm tiền từ việc làm clip”). Lý do thứ 2 là về vấn đề bản quyền: giống như thị trường âm nhạc Việt Nam, vấn đề bản quyền là một trong những chuyện “nói hoài – nói mãi – nhưng không bao giờ thủng”. Đa phần nội dung clip của cộng đồng youtuber Việt đều là các clip ca nhạc, clip hài chế, clip dịch film... (mà rất ít trong số này được xin phép “chính chủ” để dịch hoặc chế hoặc up lên youtube). Nếu là những clip thuộc mảng đời sống như dạy trang điểm, dạy nấu ăn, dạy may vá... thì đa số lại dùng nhạc nền, và tất nhiên, các youtuber nhà mình cũng thường xuyên “vô tư” không nghĩ đến chuyện “có được phép dùng hay không”. Một mảng nội dung nữa hoạt động khá mạnh là các channel chuyên cover nhạc theo kiểu “me singing” như channel của cô bạn Thái Trinh hay Anh Đào. Mặc dù các clip đều thu hút được hàng trăm nghìn lượt view, nhưng cơ hội để thành partner là con số 0 tròn trĩnh, vì cho tới nay, lại vì lý do bản quyền mà youtube vẫn chưa chấp nhận các channel cover nhạc.

Nói như thế không có nghĩa là cộng đồng nhà mình đều phải chịu số phận “thất nghiệp”. Chỉ cần chú ý hơn tới mảng nhạc nền, thay vì sử dụng tùm lum bất kỳ bản nhạc mà bạn thích, hãy thử tìm cách liên hệ để xin phép quyền sử dụng Hoặc nếu thấy quá rắc rối thì cách đơn giản nhất là bạn hãy chọn nhạc nền sẵn có từ youtube. Youtube có 1 kho sẵn có các bản nhạc được xem là “hợp pháp” để sử dụng, hơi buồn chút là kho nhạc này hơi cũ, bạn có thể thấy nhạc “chán òm”, nhưng “nhạc cũ” còn hơn là mất cơ hội kiếm được công việc part-time hay ho, đúng không?

Các youtuber nhà mình cũng không nên quá lo lắng về các tiêu chuẩn để được xét duyệt làm partner. Về lý thuyết, quy định xét duyệt thường là bạn phải có ít nhất 2000 người sub channel, 50.000 tổng số view và ít nhất là 2000 view/1 clip. Nhưng trên thực tế, có không ít người vẫn trở thành partner với con số thống kê ít hơn quy định rất nhiều, trong khi nhiều youtuber vượt mức với số người sub/số view khủng nhưng lại không nhận được thông báo “đỗ”. Điển hình như channel AvatarSSJ của cậu bé 13 tuổi đến từ Ấn Độ – Amber. AvatarSSJ chỉ có ... 40 người sub, với mỗi clip chỉ đạt 100-200 lượt view! Tin hay không thì tùy, nhưng Amber là một youtube partner chính hiệu từ mấy tháng nay! Lý do mà youtube chọn Amber thay vì hàng tá các ứng cử viên nặng ký với hàng nghìn người view và hàng triệu lượt view khác là do “tiềm năng tỏa sáng” của cậu bé. Mới 13 tuổi nhưng clip của Amber khá công phu, ý tưởng rất hài hước và thú vị, phần edit cũng khá chuyên nghiệp. Câu chuyện của Amber “suýt” trở thành scandal do nhiều người nghĩ rằng có uẩn khúc gì đây, thậm chí là tin đồn “Amber đã hack youtube”. Nhưng chỉ cần 1 lần vào xem clip của cậu bé thì mọi nghi ngờ đều được xua tan. Con số không ấn tượng nhưng chất lượng của clip quan trọng hơn nhiều.

Vậy nên, dù có số lượt view và người sub ít ỏi, youtuber Việt đừng ngại apply nhé, không thử thì làm sao biết được. Nhưng trước hết, hãy chăm chút và dành sự đầu tư thích đáng cho clip. Một tip nữa khá hữu ích để tăng cơ hội trở thành partner, bạn nên làm clip dưới dạng “song ngữ” – có phụ đề tiếng Anh để các “nhà tuyển dụng” hiểu nội dung clip khi vào xem, như vậy mới đánh giá để xét duyệt được chứ. Làm clip song ngữ cũng sẽ giúp clip của bạn không chỉ gò bó trong phạm vi cộng đồng youtube Việt mà còn tiến xa hơn, tiếp cận tới cả cộng đồng youtube trên toàn thế giới. Điểm này sẽ khiến “nhà tuyển dụng” gật gù hài lòng và cho bạn một phiếu để vào vòng trong.

(HHT 912)

Entry này không liên quan đến mảng "làm đẹp", nhưng đây là bài viết mình khá tâm đắc nên post lên đây luôn ^_^ Tiện thể, recommend mọi người xem clip hài của annoying orange - cực nhắng :X:X:X Đây là show hài yêu thích nhất của mình trên youtube :X:X:X
Previous
Next Post »
Thanks for your comment