Cuộc sống ngột ngạt của người dân vùng IS kiểm soát

Dưới sự kiểm soát của Nhà nước Hồi giáo (IS), người dân ở thành phố Raqqa, Syria, phải đóng thuế hàng tháng, bị cắt điện luân phiên, phụ nữ dưới 30 tuổi không được rời thành phố và trường học bị đóng cửa để phiến quân soạn lại chương trình.
Nhóm cảnh sát đặc biệt, được gọi là al-Hisba, có nhiệm vụ đảm bảo luật của IS được thực thi ở nơi công cộng. Ảnh: AP.

Một năm kể từ khi Nhà nước Hồi giáo (IS) nắm quyền kiểm soát thủ phủ Raqqa, người dân Syria phải sống trong cảnh ngột ngạt và bị kìm kẹp. Nhiều người chạy khỏi thành phố này nói với Al Jazeera rằng người dân ở đây phẫn uất với việc IS kiểm soát nghiêm ngặt cuộc sống của họ và khiến họ luôn trong tâm trạng sợ hãi.

"Chúng tôi ghét IS. Trừ một số người hưởng lợi từ IS, còn lại đều không muốn họ ở xung quanh", chủ một cửa hàng ở Raqqa, yêu cầu được giấu tên, cho biết. Cách đây 6 tháng, ông chủ này đã chuyển tới Thổ Nhĩ Kỳ sống.

Zubair, 27 tuổi, là sinh viên đại học và nhiếp ảnh gia. Cậu rời khỏi Raqqa cách đây bốn tháng, nhưng hiện vẫn giữ liên lạc với bố mẹ và anh chị em ruột vẫn ở thành phố.

"Mọi người đều sợ chúng. Đó là một cuộc sống rất buồn và dường như không có dịch vụ gì cả. Nếu bạn đi bộ trên đường, bạn có thể bị bắt phải tới cầu nguyện ở nhà thờ Hồi giáo", Zubair kể.

IS được tin là quản lý khoản ngân quỹ khoảng 1 triệu USD một ngày. Phần lớn khoản tiền này đến từ việc buôn lậu dầu mỏ, cũng như tiền thuế và nhiều khoản phụ khác ở Raqqa. Bố của Zubair là chủ một cửa hàng tạp hóa ở góc phố. Ông phải nộp thuế cho IS khoảng 200 USD một tháng. Các công việc kinh doanh khác ở những vị trí đắc địa hơn trong thành phố phải trả gấp đôi số ấy. Mỗi hộ gia đình hàng tháng còn phải nộp hơn 2 USD cho những dịch vụ như điện, điện thoại hay dọn vệ sinh đường.

Các công nhân được trả tiền để duy trì ba đập thủy điện quan trọng cung cấp năng lượng cho Raqqa, tuy nhiên các nhà hoạt động xã hội cho rằng phần lớn lượng điện được bán cho hệ thống cai trị, còn người dân địa phương phải sống trong cảnh cứ hai ngày sẽ bị cắt điện luân phiên bốn tiếng.

Nước sạch trong thành phố đang ngày càng khan hiếm, một phần do nhà máy điện cần chạy máy bơm. Các nhà máy lọc nước bị phá hủy trong các cuộc không kích của liên minh chống IS bắt đầu từ tháng 9 năm ngoái.

Phụ nữ chỉ được khám bác sĩ nữ, trừ một số trường hợp họ bị thương và cần phải điều trị khẩn cấp. Tháng 12 năm ngoái, IS tuyên bố sẽ mở một trường cao đẳng y tế cho phụ nữ và nam giới. Động thái này được cho rằng nhắm tới sự thiếu hụt trầm trọng nhân lực ngành y.

"Hầu như tất cả các bác sĩ đều đã bỏ đi vì IS sẽ hành hình bất cứ ai chữa trị cho các tay súng là người của nhóm nổi dậy khác", Abu Muhammad, một nhà hoạt động của nhóm "Raqqa đang bị tàn sát một cách im lặng", nói. Abu đi khỏi Raqqa từ tháng 9/2014 nhưng vẫn giữ liên lạc với hàng chục nhà hoạt động khác ở lại thành phố.

Trường học, hoạt động dưới sự kiểm soát của những kẻ nổi dậy, bị đóng cửa từ đầu tháng 1 sau khi IS quyết định soạn lại chương trình. "Chúng muốn cắt bỏ những gì được xem không phải đạo Hồi", Abu giải thích. Quyết định này khiến nhiều trẻ em phải ở nhà.

Một trong số nạn nhân của việc này là cô em gái 13 tuổi của Zubair. "Con bé muốn rời khỏi thành phố để tiếp tục việc học nhưng IS đã ngăn cản. Chúng có một luật mới nói rằng phụ nữ dưới 30 tuổi không thể rời khỏi thành phố. Gia đình tôi đang cố gắng để ra khỏi Raqqa nhưng không thể", Zubair cho biết.

Theo Al Jazeera, đây được xem là nỗ lực của IS nhằm giữ cho dân số của thành phố không bị hao hụt. Đàn ông được tự do đi lại hơn phụ nữ. Tuy nhiên, tại các chốt kiểm tra trên đường để ra khỏi Raqqa, cảnh sát của IS kiểm soát kỹ càng và chặn những ai chúng muốn, hoặc người nào chúng nghi đang làm việc cho các nhóm nổi dậy khác.

Mỗi tháng, thành viên của nhóm cảnh sát đặc biệt, gọi là al-Hisba, được trả 300 USD để đảm bảo luật lệ của IS được tôn trọng ở nơi công cộng.

"Họ sẽ đi loanh quanh để rao giảng với mọi người về luật này, và bắt ai vi phạm, ví dụ như quên cầu nguyện hoặc hút thuốc", Zubair cho hay.

Cảnh sát sẽ chặn những người đi trên đường để kiểm tra điện thoại di động xem có lưu những bức ảnh không phù hợp hay không. Nếu vi phạm, ai đó có thể sẽ bị đánh bằng roi.

Đến giờ cầu nguyện, cảnh sát al-Hisba tràn ra đường. "Người dân từng được phép đóng cửa hàng quán và cầu nguyện riêng tại đó nhưng mới đây, al-Hisba bắt nam giới tới nhà thờ Hồi giáo cầu nguyện tập trung", Abu cho biết thêm.

Đàn ông được yêu cầu mặc quần ống rộng trên mắt cá chân. Nhiều biển hiệu được dựng lên quanh thành phố để nhắc nhở phụ nữ trùm kín từ đầu tới chân. Một nhóm nữ cảnh sát có mang theo súng gọi là lữ đoàn al-Khansa sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo việc thực thi luật trang phục nghiêm túc. Phụ nữ vẫn được phép đi mua sắm nhưng họ phải đi cùng người thân là nam, có thể là chồng, anh trai hoặc cha.

Theo Zubair và nhiều người dân khác, IS còn tạo ra mạng lưới tình báo bí mật là những đứa trẻ, từ 12 đến 18 tuổi, và cho tiền bọn trẻ nếu chúng giúp IS phát hiện ra ai đó vi phạm, ví dụ hút thuốc. Khoản tiền công hậu hĩnh này đang biến nhiều người trẻ thành người cung cấp tin tức cho IS.

IS còn thành lập cả một văn phòng đặc biệt để tiếp nhận khiếu kiện của người dân địa phương. Tuy nhiên, trong nhiều vụ việc có liên quan tới thành viên của IS, hiếm có những quyết định khách quan được đưa ra.

Bình Minh

Previous
Next Post »
Thanks for your comment